Thưởng thức Âm nhạc là môn học dạy cách nghe và đánh giá các thể loại âm nhạc khác nhau. Có một người bạn ngoại quốc tâm sự với tôi: “Tôi không đàn được một hợp âm nào, cũng không hát được một giai điệu nào cho chuẩn xác nhưng bạn biết không, tôi đã tốt nghiệp một khóa học dài hạn về Thưởng thức Âm nhạc ở trường nhạc Ornette Coleman”.
Trước khi đi sâu vào Hình thức và Thể loại âm nhạc, chúng ta có thể thấy ngay âm nhạc thường được phân biệt hành 2 nhóm lớn: Thanh nhạc (âm nhạc cho giọng người) và Khí nhạc (âm nhạc cho nhạc cụ).
Theo quan điểm giáo dục âm nhạc của Zoltán Kodály, trước tiên phải chú ý đến thanh nhạc rồi mới đến khí nhạc. Quan điểm sư phạm của ông xác định một mối liên kết giữa nền tảng giọng người với việc dạy về nhạc cụ. Ông đã nói: “Ai học thanh nhạc trước rồi mới được dạy về nhạc cụ thì sẽ nắm bắt được giai điệu dễ dàng hơn…..Nhờ ca hát, người học có được khả năng đọc nhạc và dễ gần với tinh thần của một tác phẩm khí nhạc hơn.”. Kodály còn khẳng định: “Việc hát các bè phát triển khả năng nghe và thưởng thức âm nhạc đồng thời làm cho một tác phẩm âm nhạc của nền văn hóa thế giới được mở ra cả cho những người không biết chơi một nhạc cụ nào”. Đó là lý do tại sao Kodály đã sáng tác hàng trăm bài tập ca hát 2 bè và hàng chục bài tập hát 3 bè cho mọi trình độ trong giáo dục âm nhạc.
Thanh nhạc là gì?
Thanh nhạc là loại âm nhạc được biều diễn bởi một hay nhiều giọng người, có hay không có nhạc đệm, trong đó việc ca hát là trung tâm. Loại thanh nhạc không có phần đệm đàn, được gọi là “a cappella” (theo phong cách nhà thờ). Hiểu như vậy chúng ta có thể thấy tên gọi “Khoa Thanh Nhạc” trong một số trường nhạc chưa được ổn lắm. Ở những nơi này người ta dạy về nghệ thuật ca hát, cách sử dụng giọng người cho đẹp và hiệu quả (kỹ thuật) chứ không chỉ dạy riêng về “âm nhạc nhạc cho giọng người” (vocal music). Trên thế giới, khoa này được gọi là “Voice department” (Khoa về giọng người).
Đặc trưng tiêu biểu nhất của Thanh nhạc là Ca từ, mặc dù cũng có loại thanh nhạc không dùng đến những bản văn đi kèm, trong đó ca từ chỉ là những tiếng tượng thanh (âm nhạc onomatopeia). Một tiểu phẩm thanh nhạc có ca từ được gọi là Ca khúc. Thanh nhạc có lẽ là một trong những hình thức âm nhạc cổ xưa nhất của con người bởi vì nó không đòi hỏi nhạc cụ nào để diễn tấu ngoài giọng người. Tất cả các nền văn hóa âm nhạc đều có một số hình thức thanh nhạc riêng.
Thanh nhạc không có ca từ
Không phải cứ nói đến thanh nhạc là nói đến ca khúc (có ca từ và âm nhạc). Loại thanh nhạc không có ca từ có mặt trong âm nhạc truyền thống của nhiều nước trên thế giới. Có thể coi đây là loại khí nhạc nhưng với nhạc cụ là chính giọng của con người.
Trong thể loại nhạc truyền thống, việc sáng tác mang tính ngẫu hứng những bản nhạc không có ca từ nhưng với giọng người đã và vẫn còn là một yếu tố quan trọng trong âm nhạc truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ và vùngTrung Đông. Loại âm nhạc như vậy đã tồn tại trước Tk. XIII, thậm chí có thể trước Tk. X và trước cuộc Thánh Chiến lần thứ nhất vào Palestine và thành Jerusalem. Tại Nam Phi ngày nay, những hậu duệ của bộ tộc Kung sử dụng một kỹ thuật sáng tác đặc biệt để viết nên những bài ca tương tự loại thanh nhạc không ca từ do đặc điểm ngôn ngữ của bộ tộc này gồm nhiều âm tạo ra tiếng động khi phát âm.
Một hình thức thanh nhạc gọi là thilana, rất phổ biến và còn là một đặc điểm quan trọng của âm nhạc Carnatic của miền Nam Ấn Độ. Ở miền Nam Siberia có tộc người Tuvan với nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ có kỹ thuật hát trong cổ họng tương tự như kỹ thuật gorgheggio (hát như gù gừ trong cổ họng) trong thanh nhạc của người Ý. Kỹ thuật này gọi là sygyt và các bài ca đều không có ca từ. Thể loại thanh nhạc yoik của dân tộc Sami (ngày nay sinh sống tại Thụy Điển, Phần lan, Na uy và bán đảo Kola của Nga) cũng chính là loại thanh nhạc không ca từ nhưng với diễn cảm của giọng người. Puirt à beul (còn có tên gọi phổ thông là mouth music – âm nhạc dùng miệng) là một thể loại âm nhạc truyền thống của người Scotland, Ireland lan rộng sang vùng đảo Cape Breton và trở thành một trong những nguồn gốc quan trọng tạo nên nền âm nhạc truyền thống Mỹ, với phong cách bluegrass. Trong thể loại này, miệng người tạo nên những âm không rõ nghĩa chỉ cốt để diễn tấu tiết điệu.
Trong thanh nhạc kinh điển Châu Âu, ở những bài tập xướng âm, người ta dùng có tên gọi nốt “Đô- Rê – Mi,…” để “hát” những ca khúc thay cho ca từ. Ngoài ra, có những bài tập luyện thanh theo nhiều phương pháp như của nhà sư phạm thanh nhạc Giuseppe Concone đã và đang được nhiều trường nhạc danh tiếng trên thế giới áp dụng. Trong đó, người ta không dùng ca từ mà chỉ dùng giọng người để “mở âm” (Ha, Huh, v.v…). Nhiều tác giả cũng sáng tác những tiểu phẩm thanh nhạc không có ca từ, đặt tên là “Vocalise” (Luyện thanh) như thật ra vừa có thể dùng cho giọng người vừa cho nhạc khí. Ví dụ bản “Vocalise” của Rachmaninov đã được nhóm CREDO biểu diễn tại sân khấu Nhạc viện Tp. HCM và nhiều nơi khác trong năm 2009 vừa qua.
Ở âm nhạc phổ thông (popular) và Jazz cũng có nhiều thể loại thanh nhạc không ca từ như vậy. Nhạc Hip hop có một hình thức nổi bật dùng bộ gõ bằng giọng người gọi là beatboxing. Ở đây, giọng người tạo nên tiết tấu, tiếng gõ, thậm chí những tiếng “chà, xước”. Bjork (sinh năm 1965) – nữ ca sĩ kiêm người viết ca khúc, diễn viên người Iceland thường sáng tác và biểu diễn những ca khúc không lời nhưng chi 3 có âm do miệng tạo ra như trong album Medúlla của cô gồm nhạc beatboxing, hợp xướng và kiểu hát trong cổ họng, tất nhiên không có ca từ. Nhưng có lẽ tác phẩm thanh nhạc không ca từ nổi tiếng và phổ biến nhất là Don’t Worry Be Happy (Giải Grammy 1989) của Bobby Mc Ferrin.
Thanh nhạc có ca từ – Ca khúc
Hầu như chúng ta chỉ nghĩ đến ca khúc khi nói về thể loại thanh nhạc có ca từ. Bên cạnh ca khúc, có những thể loại thanh nhạc có ca từ lớn hơn như opera, oratorio, cantata, passion, v.v…Chúng ta không thể đề cập đến chi tiết trong giới hạn của bài viết này.
Trong âm nhạc, ca khúc là một sáng tác gồm phần để hát bằng giọng người (ca từ) thường được đệm bằng một hay vài loại nhạc cụ, ngoại trừ trường hợp hát theo phong cách a cappella (phong cách nhà thờ, không nhạc đệm). Ca từ của ca khúc thường phải mang tính thi ca, có nhạc tính (tiết tấu,…). Ngày nay, trong các ca khúc thị trường tại Việt Nam (và nhiều nước trên thế giới) ca từ của các ca khúc còn mang cả tính “ngông”, tính trần tục đến…..trần trụi và cả tính…dục! Độc giả có thể tìm thấy nhiều ví dụ rất điển hình, rất dễ dàng trên net, trên các phương tiện truyền thống. Chúng tôi gọi đó là loại âm nhạc “phản nghệ thuật” đang đầu độc thị hiếu của công chúng, đặc biệt giới trẻ và đang được lây lan với tốc độ kinh hồn nhưng tiếc rằng những người có trách nhiệm vẫn “ngoảnh mặt làm ngơ”
Ca khúc thường được biểu diễn bởi một ca sĩ đơn (solo) hay song ca (duet), tam ca (trio) hoặc nhiều hơn nữa. Lúc đó, chúng ta có tốp ca hoặc hình thức lớn hơn là hợp xướng. Chúng ta có những tên gọi khác nhau cho hình thức một tập thể những người cùng hát chung một tác phẩm thanh nhạc: tốp ca, hợp ca, và hợp xướng. Sự phân biệt này thường dựa trên số lượng thành viên, có chỉ huy hay không và có lĩnh xướng hay không. Thật ra, sự phân loại như vậy chỉ là thói quen mang tính chủ quan và địa phương. Trong các kỳ thi quốc tế về nghệ thuật hợp xướng không có kiểu phân biệt như vậy. Trong tiếng Anh, người ta thường dùng thuật ngữ choir để gọi một ban hợp xướng hát ở trong nhà thờ (ở Việt Nam thường gọi là ca đoàn), đối với ban hợp xướng trình diễn ở các nhà hát (hay những nơi khác bên ngoài nhà thờ) người ta gọi là chorus. Tuy nhiên tên gọi này không phải là khái niệm tuyệt đối bởi có những hợp xướng mà hoạt động của họ diễn ra ở cả bên trong lẫn bên ngoài nhà thờ.
Nhiều người vẫn quan niệm rằng “ca từ là một nửa cuộc đời của ca khúc”. Quan niệm này có luôn luôn đúng không? Có phải cứ lấy một bài thơ hay để làm ca từ, để làm “một nửa cuộc đời” và đem kết hợp một phần âm nhạc xuất sắc như “một nửa cuộc đời còn lại” là sẽ có được một ca khúc hoàn hảo? Có chắc rằng nếu lấy những nét đẹp đặc trưng của các mỹ nhân thế giới kết hợp lại sẽ cho ra một tuyệt thế giai nhân? Trong thời buổi của “cừu Dolly” này chúng ta có thể dùng một số phần mềm vi tính để chọn lựa cách kết hợp có lý nhất giữa: mái tóc vàng kim nổi tiếng của Marilyn Monroe , chiếc mũi thanh tú của Cleopatra, bờ môi gợi cảm của Brigitte Bardot hay Claudia Schiffer, cặp mắt đẹp bí ẩn của Mata Hari, v.v…Có chắc rằng sẽ có được một người phụ nữ hoàn hảo?
Cuộc hôn nhân của ngôn từ và giai điệu nhạc không phải lúc nào cũng thuận thảo, hoặc cũng sinh ra những hoa trái đẹp ngon. Có người cho rằng cuộc hôn nhân ấy có thể hợp lý (logic) nhưng nhiều khi không mang chút giá trị nghệ thuật nào. Họ quan niệm rằng việc phổ nhạc cho một bài thơ có thể tạo ra một ca khúc hay nhưng đồng thời cũng có thể giết chết bài thơ đó bởi vì, một cuộc hôn nhân hoàn hảo rất có thể hủy diệt một người đàn ông ưu tú hay một người đàn bà ưu tú, hoặc cả hai. Quan niệm ấy không phải hoàn toàn sai. Một bài thơ trác tuyệt không nhất thiết phải được phổ nhạc hay cứ phổ nhạc là sẽ được “chắp cánh”. Một bài nhạc hoàn hảo cũng không nhất thiết phải được viết lời, cho dù người đặt lời là một thi sĩ tài năng, một nhà văn uyên bác. Đó có lẽ cũng là lý do mà Mendelssohn cho ra đời thể loại âm nhạc mới qua 8 tập “Lieder ohne Worte” (Songs without words – Tình ca không lời).
Âm nhạc và Thi ca có thể được xem như đôi bạn tình gắn bó, tay trong tay, nghệ thuật này hỗ trợ nghệ thuật kia. Thi ca là sự hòa điệu của ngôn từ. Âm nhạc là sự hòa điệu của các nốt nhạc. Cả hai đều có thể được kết hợp lại mộrt cách tốt, hợp lý nhất nhưng cũng có thể đứng riêng một cách tuyệt hảo. Chỉ khi nào vẻ hoàn thiện này không lấn át vẻ hoàn thiện kia, chúng mới tồn tại như Hiểu Biết và Sắc Đẹp trong cùng một con người (thay vì như một câu ngạn ngữ phương Tây: “Tóc dài thì trí óc ngắn”). Đến như Schubert, mặc dù đa số các ca khúc của ông là phổ thơ của các thi sĩ nổi tiếng tuy nhiên thi ca không bao giờ lấn át phần âm nhạc. Schubert đã nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của hình tượng trong thơ, với cách đó, ông làm tăng lên tính nghệ thuật của lời ca và đạt tới trình độ cao trong sự hài hòa tinh tế giữa hình tượng văn học và âm nhạc, giữa lời ca và giai điệu. Ca khúc của ông không lệ thuộc vào thi ca mà luôn luôn là những tác phẩm độc lập. Nếu bỏ ca từ đi, một ca khúc của Schubert vẫn có thể là một bản nhạc hòa tấu hay độc tấu tốt, không mất tính hấp dẫn.
Trong khi đó, nhiều ca khúc Việt Nam sẽ vang lên không ra sao nếu mất phần ca từ, và mặc dù phần nhạc của chúng do một dàn nhạc nổi tiếng trình tấu. Có nhạc sĩ sáng tác Việt Nam được tôn vinh chỉ vì nhiều ca khúc của anh có lời quá đẹp. Nhưng hình tượng thơ và nhạc hoàn toàn xa lạ nhau. Ví dụ, hình tượng sóng lại được diễn tả bằng những âm tiết đều đặn như lời tụng kinh với những nốt móc đơn liền nhau. Do đó, thật hụt hẫng khi nghe biểu diễn những ca khúc này dưới dạng nhạc hòa tấu.
(songnhac.vn)