Các thể loại âm nhạc dù cho là rock, jazz, funk, blues, country, hip-hop hay nhạc kinh điển (classical) vẫn có chung những yếu tố âm nhạc căn bản. Nhưng chúng ta lại nghe các loại nhạc đó vang lên khác nhau vì trong mỗi thể loại âm nhạc, các yếu tố đó được kết hợp theo những cách khác nhau. Vì vậy để học cách thưởng thức âm nhạc việc trước tiên là phải tìm hiểu về những yếu tố làm nên âm nhạc.
Nếu không phân loại quá chi tiết thì âm nhạc có 6 yếu tố căn bản là: Giai điệu, Hòa âm, Tiết tấu, Tốc độ, Âm sắc và Biến cường. Đối với thể loại ca khúc, còn có thể một yếu tố nữa đó là: Ca từ.
Giai điệu – Thế nào là một giai điệu hay?
Giai điệu đặc trưng cho cung, giọng của một ca khúc hay bản khí nhạc. Nó được tạo thành bằng cách diễn các nốt nhạc nối tiếp nhau theo một cách sắp đặt nào đó tùy người sáng tác. Có thể ví giai điệu như một sợi dây xích và nốt nhạc là các mắt xích. Nếu không được liên kết với nhau thì các mắt xích mãi mãi là những số 0 vô dụng. Khi đã gắn vào nhau, các mắt xích mới tạo nên những sợi xích nhiều tác dụng, từ rất tầm thường như sợi xích để khóa, buộc hay rất giá trị như những dây chuyền vàng, bạc để trang sức. Giai điệu được cấu tạo bởi thành phần là các nốt nhạc, và cách sắp đặt các nốt nhạc lại còn lệ thuộc 2 yếu tố khác, đó là: quãng nhạc (khoảng cách giữa hai nốt khác nhau) và tiết tấu (chúng ta sẽ bàn đến ở phần sau).
Thế nào là một giai điệu hay, giá trị? Để trả lời câu hỏi này phải mất khá nhiều công sức và tranh luận. Tuy nhiên, có thể quan niệm như trong Tạp chí “Không Gian Âm Nhạc” của UNESCO số 4/1986, trang 13: “Giai điệu đẹp thực sự thì không giống giai điệu nào khác”. Có nghĩa là một giai điệu hay cần phải có đặc tính riêng, mang nét sáng tạo riêng của tác giả. Hiện nay, trên thị trường âm nhạc, có quá nhiều những ca khúc nghe giống như “anh chị em ruột thịt” hoặc thậm chí như “sinh đôi”! Khi nghiên cứu một số sáng tác tốt nghiệp từ bậc Đại học đến Cao học của các sinh viên Nhạc viện, chúng tôi thấy có những tác phẩm khí nhạc có nhiều giai điệu giống các tác phẩm cổ điển Tây phương đến độ có thể nhận ra đây là Bach, kia là Mozart!
Các quãng nhạc có thể thay đổi lớn nhỏ khác nhau nên giai điệu cũng có lúc lên, lúc xuống tạo nên những hình dạng khác nhau. Vì vậy, đôi khi giai điệu còn được gọi là tuyến giai điệu (hiểu theo ý nghĩa chung) hay nhạc đề (khi xét đến vai trò, chức năng của nét nhạc ấy trong một tác phẩm). Chỗ cao nhất và thấp nhất của một giai điệu xác định nên âm vực của giai điệu đó (Hình dưới).
Ngoại trừ một vài loại âm nhạc tôn giáo (như nhạc Bình ca), ở đó, giai điệu và tiết tấu âm nhạc được tách rời, trong đa số các loại âm nhạc, giai điệu có một mối quan hệ mật thiết với một yếu tố căn bản khác của âm nhạc, đó là: tiết tấu.
Tiết tấu – Đâu là nguồn gốc của tiết tấu?
Tiết tấu là một kiểu sắp đặt âm thanh theo thời gian khác nhau (nghĩa là nhanh chậm không giống nhau, nhưng theo một quy luật lặp lại nào đó).
Đặt tay lên lồng ngực trái, chúng ta cảm thấy được nhịp đập của tim; khi đi bộ, chúng ta bước đi theo một nhịp chân nào đó; nhìn đám lá cây xào xạc theo gió thổi, khi thì lay động, khi thì dừng lại theo một nhịp nào đó; đó là những ví dụ cho thấy nguồn gốc của tiết tấu có từ trong thiên nhiên. Khi còn sống ở Tây Đức, một buổi sáng cuối mùa Đông, chúng tôi đến thăm một trại tị nạn để phát phần lương khô hằng tuần cho những người đến từ nhiều quốc gia. Vì còn sớm nên nhiều người vẫn ngủ, không gian vẫn còn rất thinh lặng. Vậy mà chúng tôi thấy một chàng trai Phi châu vẫn đang nhún nhẩy theo một điệu nhạc gần như vô hình nào đó. Để ý ra, chúng tôi nhận thấy chỉ có một tiếng động duy nhất được tạo ra do những giọt nước từ nhũ tuyết trên mái nhà tan ra rớt xuống vũng nước nhỏ bên dưới. Với cái tiết tấu rất thiên nhiên đó, chàng trai Phi Châu đã biến thành âm nhạc cho riêng mình!
Khi con người có tiếng nói, trong ngôn ngữ (thuộc loại đa vần hay độc vần) đã mang những yếu tố phân nhóm (ví dụ: nhóm từ chỉ có 1 vần như trong tiếng Việt, có 3 vần như “national”, 4 vần như “international”) với nhóm dài nhóm ngắn và những yếu tố nhấn mạnh với vần được kéo dài vấn được đọc lướt nhanh. Đó là cơ sở của tiết tấu. Có thể nói nguồn gốc thứ hai của tiết tấu là ngôn ngữ. Từ đó chúng ta dễ hiểu tại sao trong âm nhạc Việt Nam hầu như ít gặp những nhịp mang tiết tấu đặc biệt với các nhóm 5, nhóm 7.
Trong âm nhạc có nhiều loại tiết tấu và kiểu kết hợp tiết tấu khác nhau. Để cảm nhận được các tiết tấu khác nhau, chúng ta thử vỗ tay hay nhịp chân theo giai điệu của những bài hát quen thuộc nhưng đừng hát lên hoặc chỉ hát nhỏ thôi. Tiết tấu được cụ thể hóa bởi phách. Cứ mỗi cái vỗ tay hay nhịp chân này có thể gọi là một phách. Những nhóm 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9… phách hình thành nên các loại nhịp khác nhau. Các loại nhịp này là cơ sở để các nhạc sĩ tạo nên các mẫu tiết tấu đa dạng.
Hoà âm – Tại sao âm nhạc cần phải có hòa âm?
Từ những thế kỷ đầu, con người hát chỉ một bè hay còn gọi là hát đơn âm (monophony). Dần dần về sau xuất hiện kiểu hát với bè chính và một bè đi kèm theo, cách bè chính một khoảng cách (quãng) nhất định gọi là lối hát organum rồi sau đó mới tới giai đoạn hòa âm. Hòa âm xuất phát từ Thanh nhạc, từ nhu cầu hát chung cộng đồng. Hòa âm góp phần làm phong phú cho một tác phẩm âm nhạc. Người Đức rất chí lý khi dùng từ Bekleidung (nghĩa thông thường: việc mặc quần áo) để gọi việc “hòa âm phối khí” cho một giai điệu. Hòa âm là một nghệ thuật làm cho chúng ta hiểu được tại sao cũng một điệu Boléro, Slow Rock nhưng nghe của nhạc phương Tây khác, không giống như trong tân nhạc Việt Nam. Hòa âm là một lãnh vực bao la, một môn học quan trọng trong các trường nhạc.
Xét về mặt cấu tạo, hòa âm được hình thành bởi việc kết hợp của một nhóm gồm những nốt nhạc khác nhau. Về mặt biểu diễn, các nhóm nốt này có thể được diễn ra cùng lúc hoặc nốt trước nốt sau. Trong hòa âm, người ta sử dụng những “phương tiện” diễn đạt gọi là các hợp âm. Còn hòa âm là cách thức sử dụng các phương tiện đó để đi kèm và hỗ trợ cho giai điệu.
Tốc độ – Có gì khác khi cùng một tác phẩm âm nhạc nhưng được diễn với những tốc độ khác nhau?
Trong thuật ngữ âm nhạc, người ta thường dùng từ “tempo” để chỉ tốc độ hay bước nhịp của một tác phẩm âm nhạc. Đây là một yếu tố mang tính quyết định ảnh hưởng đến tâm trạng và độ khó của một tác phẩm.
Để quy định tốc độ của tác phẩm, nhạc sĩ sáng tác thường dùng những thuật ngữ tiếng Ý hoặc những con số ghi ở góc trái, bên trên ngay đầu tác phẩm. Con số này biểu thị “số phách được diễn trong một phút”.
Trước năm 1600, tempo chưa được quy định cụ thể trong tác phẩm bằng các con số như = 120 v.v… Có một thiết bị đếm nhịp gọi là métronome (Hình bên) cho phép chúng ta chỉnh tốc độ đếm nhanh chậm khác nhau.
Tai người chỉ có thể ghi nhận được tốc độ từ chậm nhất là 30 đến nhanh nhất là 240 nhịp đập của métronome trong một phút. Các tempo thông dụng từ largamento/largo (chậm lan rộng – 40 bmp) đến prestissimo (rất nhanh – 200 đến 208 bpm). Tốc độ là một yếu tố quan trọng góp phần lớn vào việc thể hiện tính cách, đặc điểm của một tác phẩm âm nhạc. Tốc độ nhanh mang lại tính năng động hơn trong khi đó tốc độ chậm thì dịu dàng, êm ái hơn. Vấn đề là phải chọn tốc độ thích hợp. Chúng ta không thể nào nghe LY RƯỢU MỪNG (Phạm Đình Chương) hay DANUBE BLEU (Johann Strauss) với tốc độ chậm được. Vì đó là những bản valse. Các ca khúc Lãng mạn thường có khuynh hướng tốc độ trung bình, trong khi đó những bản nhạc dance lại có thể đi từ tốc độ chậm đến rất nhanh. Nhạc hành khúc phải có tốc độ thích hợp, thường khoảng 120 bpm trừ loại hành khúc tang lễ (marche funèbre).
Âm sắc – Màu sắc trong âm nhạc có giống như màu sắc trong hội họa không?
Âm sắc (tone color) là màu sắc, vẻ tiếng của một giọng hát hay nhạc cụ. Âm sắc có thể biến đổi từ ảm đạm, tối tăm (như ở tiếng kèn bassoon) đến tươi sáng (như ở tiếng chuông glockenspiel). Nhạc sĩ xử lý âm thanh tựa như họa sĩ xử lý màu sắc. Âm thanh được pha trộn trong âm nhạc không khác màu sắc được trộn trong hội họa. Âm sắc góp phần tạo nên vẻ dáng, “bầu không khí” cho tác phẩm âm nhạc.
Cùng một nốt nhạc DO, chẳng hạn, nhưng khi được diễn lên bằng những nhạc cụ khác nhau (giọng người, đàn guitar, hay đàn violin, v.v…) sẽ cho những cảm giác khác nhau và chúng ta có thể nhận ra ngay được sự khác biệt đó. Chúng ta nói những nhạc cụ này có âm sắc khác nhau. Đây chính là yếu tố về nguồn âm của âm sắc. Trong khí nhạc có tác giả hay dùng những kết hợp nhạc cụ khác nhau để tạo nên những âm sắc độc đáo (như Rimsky-Korsakov, Maurice Ravel) nhưng cũng có nhà soạn nhạc chủ tâm khai thác vẻ đẹp thuần khiết về âm sắc (như Tchaikovsky). Âm sắc của một nhạc cụ có một mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Ví dụ, sáo thường được dùng để mô tả cho tiếng chim hót.
Ngoài ra, âm sắc còn được tạo nên bởi yếu tố hòa âm. Chơi nhiều lần trên đàn các hợp âm theo thứ tự như sau:
C dim (hay C-5) < Cm < C < C aug (hay C+)
Tập trung lắng nghe, chúng ta sẽ thấy màu sắc đi từ tối đến sáng dần tựa như màn đêm đang có ánh bình minh dần dần ló dạng. Đây là ví dụ điển hình về âm sắc được tạo nên bởi hòa âm.
Biến cường – Sự biến đổi về cường độ góp phần thành công thế nào cho tác phẩm âm nhạc?
Trong âm nhạc, khi nghe nói đến biến cường (dynamics), chúng ta hiểu đó là sự biến đổi về tính “mạnh – nhẹ” về cường độ của một âm thanh hay một đoạn nhạc.
Về mặt ký âm, trong một tác phẩm âm nhạc chúng ta thường gặp các ký hiệu ghi dấu biến cường sau đây:
p (piano – nhẹ); mp (mezzo piano – nhẹ vừa); mf (mezzo forte – mạnh vừa); f (forte – mạnh); pp (pianissimo – rất nhẹ); ff (fortissimo – rất mạnh); sfz (sforzando – nhấn); p sub (piano subito – nhẹ đột ngột); f sub (forte subito – mạnh đột ngột); cresc (crescendo – tăng dần); decresc (decrescendo – giảm dần).
Biến cường là yếu tố quan trọng không kém tempo góp phần cho sự thành công của tác phẩm âm nhạc. Nó tạo nên sự tương phản mà bất kỳ tác nghệ thuật nào cũng cần phải có. Đến đây chúng tôi nhớ đế một câu thơ trong đại thi phẩm Truyện Kiều, có liên quan đến biến cường:
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Diễn tả biến cường phải tương phản đến như vậy mới là thành công.
Đến đây chúng ta đã tìm hiểu qua về 6 yếu tố căn bản tạo nên âm nhạc. Vậy, kể từ lúc này, khi nghe bất cứ một tác phẩm âm nhạc nào dù đó là một ca khúc đơn sơ hay một chương giao hưởng, chúng ta hay tập để ý và đánh giá tác phẩm đó trên tiêu chuẩn 6 yếu tố này. Đó là bài thực tập đầu tiên để học cách thưởng thức âm nhạc.
(songnhac.vn)