Đàn Tam Thập Lục
Bắt nguồn từ quốc gia Ba Tư, được chế tác vào khoảng thế kỷ thứ XII. Đến thế kỷ thứ XVIII, nó du nhập vào Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật. Loại nhạc cụ này khá phổ biến ở các quốc gia khu vực Trung Á và cũng rất phổ biến với các quốc gia Phương Tây thời Trung cổ cho đến ngày nay.
Đàn Tam thập Lục du nhập vào Việt Nam khoảng thập niên 60 qua người Trung Hoa ở chợ lớn, Sài Gòn.
Đàn Tam Thập Lục có hình thang cân, mặt đàn làm bằng gỗ mềm, hơi vồng lên ở giữa, mặt dưới đàn phẳng. Trên mặt đàn có đặt 2 hàng cầu dây. Mỗi hàng cầu dây có từ 16-18 ngựa đàn và được đặt song song, so le nhau. Phía bên phải đàn là hàng trục dây, bên trái là hàng móc gốc dây. Âm thanh đàn Tam Thập Lục trong trẻo, thanh thoát gần giống với tiếng đàn tranh ở âm vực cao. Khi chơi đàn, nhạc công dùng 2 que gõ vào mặt đàn tạo ra âm thanh.
Đối với âm nhạc Việt Nam, đàn Tam Thập Lục giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu chèo, cải lương, độc tấu và dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Đàn Nhị
Đây là loại đàn chỉ có hai dây, thuộc bộ dây có cung vĩ và là nhạc cụ khá phổ biến tại các dân tộc Việt Nam như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Giấy, H’mông. Nhiều dân tộc còn gọi đàn Nhị bằng đàn “Líu” ( dân tộc Kinh) , đàn “Cò Ke” ( dân tộc Mường) , đờn “Cò” (người miền Nam)
Đàn Nhị có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm thanh trong sáng, rõ ràng. Muốn thay đổi âm sắc hoặc độ vang của tiếng đàn, người ta dùng đầu gối trái bịt một phần miệng loa xòe của bát nhị hay dùng ngón chân cái chạm vào da của bát nhị. Bằng cách này, tiếng đàn sẽ trở nên xa vẳng, tối tăm..diễn tả tâm trạng buồn phiền, thầm kín.
Đàn Nhị giữ vai trò chủ đạo trong hát Xẩm, tham gia vào dàn nhã nhạc, ban nhạc chầu văn, tài tử và dàn nhạc tổng hợp. Ngày nay, với phong cách đổi mới của nền tân nhạc, đàn Nhị cũng được sử dụng trong một số thể loại âm nhạc như Pop, âm nhạc Đương đại… để đem lại sự mới lạ trong cách hòa âm, phối khí.
Đàn Nhị gồm các bộ phận: Bát nhị, dọc nhị, trục dây, dây nhị, cử nhị, cung vĩ. Khi chơi đàn Nhị, bạn dùng tay trái giữ dọc nhị và bấm dây đàn bằng lòng ngón tay hoặc đầu ngón tay, tay phải cầm cung vĩ để kéo đẩy tạo ra âm thanh.
Kỹ thuật đàn khá phong phú, bao gồm từ ngón vuốt, ngón nhấn, ngón láy, ngón chuyền đến cung võ liền, cung vĩ ngắt, cung vĩ rời và cung vĩ rung, v.v.
Đàn Tì Bà – Pipe
Xuất hiện phổ biến từ 2000 năm trước tại Trung Quốc với tên gọi là Pipa. Ở Nhật Bản với tên gọi là Biwa. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn PiPa vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn BarBat theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc.
Đàn tỳ bà được chế tạo bằng gỗ ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Mặt cuối thân đàn có bộ phận ngựa đàn, dùng để mắc dây đàn. Đầu đàn cong, có chạm khắc cầu kì. Nơi đầu đàn có gắn 4 trục gỗ để lên dây.
Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, hoặc sử dụng gân bò, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon hoặc thép.
Đàn có bốn dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đô – Fa – Sol – Đô1 hoặc Sol -Đô1 – Rê1 – Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa
Theo cách tính và quan niệm của người Trung Quốc, đàn tỳ bà dài 36 thốn (đơn vị đo), số 3 tượng trưng cho Thiên-Địa-Nhân, số 5 tượng trưng cho Ngũ Hành, 4 dây tượng trưng cho 4 mùa
Đàn Bầu
Đàn Bầu còn có tên gọi khác là Độc Huyền Cầm. Nhạc cụ này được người Việt chế tạo rất độc đáo với chỉ một dây đàn. Âm thanh phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy gảy vào dây. Dựa theo hình thức của hộp cộng hưởng mà người ta chia đàn bầu thành 2 loại : đàn thân tre và đàn hộp gỗ
Đàn thân tre thường dùng cho người hát xẩm hoặc những nơi khó khăn, không có điều kiện chế tác tỉ mỉ, chi tiết. Thân đàn làm bằng một đoạn tre hoặc bương dài khoảng 120 cm, đường kính 12 cm. Mặt đàn là chỗ đã được lóc đi một phần cật thích hợp trên đoạn tre hoặc bương. Loại này ít phổ biến.
Đàn hộp gỗ là loại đàn cải tiến, có tính năng ưu việt hơn, thường do các nghệ sĩ chuyên nghiệp sử dụng. Đàn hộp gỗ có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, thường làm bằng loại gỗ nhẹ, xốp như gỗ ngô đồng… Loại đàn bằng gỗ vông được dùng phổ biến nhất.
Đàn bầu có âm vực rộng tới 3 quãng tám. Vì là âm bội nên âm sắc đẹp, sâu lắng, quyến rũ. Tiếng đàn có khi buồn bã, thiết tha, có khi ngọt ngào tình tự, diễn tốt tình cảm của con người.
(st)