Giống như thể thao và hội họa, ngày nay âm nhạc là một phần không thể thiếu nếu bạn muốn con mình phát triển toàn diện. Và trong các môn âm nhạc, piano được nhiều phụ huynh ưu tiên lựa chọn hơn cả bởi nhiều lí do: giúp bé tập trung hơn, tăng khả năng phối hợp cơ thể, kích thích tư duy…. Các phụ huynh cũng cần lưu ý rằng, khi cho bé học đàn piano, cả bạn và bé đều đang trải nghiệm một kinh nghiệm hoàn toàn mới. Và những chỉ dẫn sau đây có thể cung cấp thêm thông tin và khiến sự bỡ ngỡ ban đầu này được giảm đi phần nào.
1. Cân nhắc xem độ tuổi phù hợp cho bé học đàn piano
Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ học nhạc càng sớm thì càng tốt cho sự phát triển của bé. Đây là một kiến thức vừa đúng vừa sai. Việc tiếp xúc sớm với âm nhạc quả thực sẽ giúp bé cảm nhận âm nhạc tốt hơn nhưng cần có phương pháp phù hợp với sự phát triển của bé. Nếu bạn muốn bé học đàn Piano từ khi trẻ mới ba tuổi thông thường sẽ tạo nhiều trở ngại cho bản thân bé cũng như giáo viên dạy nhạc và hình thành tâm lý tiêu cực của bé với âm nhạc và đàn vì độ tuổi này sự phát triển về thể chất cũng như độ tập trung chưa thể đáp ứng được yêu cầu học nhạc cụ.
Trẻ chưa đủ 5 tuổi thường chưa thuộc hết bảng chữ cái. Trong khi một trong những điều kiện tiên quyết để học đàn Piano là trẻ phải nhận diện được hết bảng chữ cái âm nhạc (từ A đến G). Hơn nữa, nếu tay trẻ còn quá nhỏ sẽ không thể với được các quãng rộng. Chính vì vậy, nếu con bạn còn nhỏ nhưng bạn vẫn muốn cho bé học nhạc, sẽ tốt hơn nếu thử những lớp nhạc căn bản, nền tảng trước.
2. Lựa chọn đàn piano phù hợp cho bé
Việc có một cây đàn tốt cũng tương tự như việc xây móng cho một căn nhà vậy. Những cây đàn tốt sẽ phát ra những âm thanh có độ tinh tế khác nhau, dựa vào đó, trẻ có thể học cách cảm và thẩm âm chính xác nhất.
Hiện nay, đàn Piano cho trẻ em có rất nhiều loại. Nếu bạn muốn mua một cây đàn tốt, hãy thử tham khảo ý kiến trực tiếp thầy/cô dạy piano cho bé hoặc những người có kiến thức và am hiểu.
3. Bắt đầu cho bé làm quen với âm nhạc tại nhà theo lịch trình
Trẻ em thường rất nhanh nản, trong khi những bài học Piano lại cần sự tập trung và kiên nhẫn cao độ. Tiếp xúc sớm với âm nhạc không những giúp bé cảm nhận tốt hơn mà còn trao cho bé tình yêu âm nhạc – nhân tố quyết định giúp bé giữ được lòng kiên trì khi học Piano.
Hãy cùng bé hát theo các bài nhạc yêu thích, khuyến khích bé dậm chân hoặc nhảy theo điệu nhạc, và chia sẻ cho bé tình yêu âm nhạc của bạn. Và phụ huynh nên chú trọng tập cho trẻ có một giờ riêng nhất định mỗi ngày cho việc thưởng thức âm nhạc, tập luyện đàn hay biểu diễn trước cả nhà. Tất cả sẽ rất hữu ích giúp chuyến du hành cùng âm nhạc của trẻ và cả nhà thật vui tươi và ý nghĩa!
4. Chọn nơi cho bé học đàn piano thực sự chất lượng
Hiện nay, có rất nhiều nơi nhận dạy đàn Piano cho trẻ em, cả tư nhân lẫn các đơn vị trường nhạc. Bạn cần lựa chọn điểm học Piano phù hợp nhất với bé. Trẻ càng nhỏ thì càng nghịch ngợm và khó tập trung, vậy nên hãy cố gắng cho bé học với các thầy cô có phương pháp dạy đàn piano sinh động, thân thiện nhưng vẫn đủ kiến thức chuyên môn và sư phạm để thu hút cũng như truyền thụ kiến thức cho trẻ.
Bạn có thể tham khảo các diễn đàn cha mẹ để xem đánh giá về nơi dạy đàn bạn định cho bé theo học. Một cách khác nữa là truy cập thẳng vào website hoặc fanpage facebook của trường nhạc đó và kiểm tra phản hồi của các phụ huynh!
(st)