Với ưu thế riêng của mình, thanh nhạc và khí nhạcđều có vị trí riêng trong đời sống văn hóa – tinh thần của xã hội mà người trực tiếp “sử dụng”hai phương tiện trên là nhạc sỹ, ca sỹ và nhạc công. Tuy nhiên, nếu thật sự đi sâu tìm hiểu, ta sẽ dễ dàng thấy được những điểm khác biệt lớn.
Về người sáng tác:
Nếu muốn trở thành nhạc sỹ sáng tác ca khúc, bạn chỉ cần nắm vững nhạc lý, thông thạo về ký xướng âm, có nhạc cảm tốt và có lòng say mê với âm nhạc là đủ. Trong khi đó, muốn trở thành một nhạc sỹ sáng tác khí nhạc, ít nhất phải có quá trình theo học ở trường lớp là 4 năm trung học và 4 năm đại học ngành âm nhạc.
Các nhạc sỹ sáng tác ca khúc có thể tự hào về “số lượng tác phẩm” và sự nổi tiếng của mình bao nhiêu thì trên thực tế, họ luôn “nể” và thầm “thán phục” các nhạc sỹ sáng tác khí nhạc bởi họ luôn biết rằng: Các nhạc sỹ khí nhạc cũng có thể sáng tác ca khúc, tự phối âm – phối khí cho tác phẩm của mình, trong khi họ chỉ có thể sáng tác ca khúc và đa phần phải nhờ người khác phối âm – phối khí cho ca khúc mà họ đã sáng tác.
Về ca sỹ và nhạc công :
Có thể nói, trong các thuật ngữ âm nhạc , các dòng nhạc luôn có một tên gọi về phong cách (style) mà nó mang tên, thí dụ như: classic (nhạc cổ điển), romantic (nhạc lãng mạn), jazz, pop, rock v…v… Ca sỹ và nhạc công thể hiện các dòng nhạc này cũng được phân biệt rất rõ ràng. Chỉ có ở Việt Nam mới có sự phân biệt “nhạc nặng là nhạc cổ điển, nhạc nhẹ là nhạc pop – rock”, hoặc “nhạc trẻ”được hiểu là “nhạc nhẹ”, còn “nhạc cổ điển” là “nhạc già”?!
Tuy nhiên,có một điều không thể phủ nhận, đó là một ca sỹ hay một nhạc công của dòng nhạc cổ điển, nếu được đào tạo chính qui, trải qua một quá trình rèn luyện công phu cộng với lòng đam mê nghề nghiệp, có ý thức tự nâng cao trình độ và dễ thích nghi với mọi “môi trường âm nhạc”, họ có thể thực hiện tốt phong cách của các dòng nhạc khác. Trong khi đó, ca sỹ và nhạc công của các dòng nhạc kia có thể nổi tiếng trong lĩnh vực của mình nhưng lại “rất ngại” phải thực hiện một bài hát hay một bản nhạc của dòng nhạc cổ điển, bởi cách xử lý hơi thở khi hát và kỹ thuật biểu diễn của dòng nhạc này không phải “tay ngang”nào cũng có thể thực hiện được.
Bàn về chuyện học của ca sỹ và nhạc công cũng có nhiều vấn đề đáng nói, bởi nếu là nhạc công của dòng nhạc cổ điển thì phải mất một thời gian đào tạo khá lâu qua trường lớp ( từ 9 đến 11 năm trung học dài hạn và thêm 4 năm đại học), còn ca sỹ của dòng nhạc này, nếu muốn “thành tài” để thật tự tin trong nghề nghịêp cũng phải qua 4 năm trung học và 4 năm đại học. Trong khi ca sỹ và nhạc công của các dòng nhạc kia thì thời gian đầu tư cho nghề nghiệp ít hơn, thậm chí khỏi phải qua trường lớp cũng có thể phút chốc thành “sao”như ở ta hiện nay!(?)
.
Mối “kết giao”giữa thanh nhạc và khí nhạc
Đã từ lâu, “đàn ca – hát xướng” luôn đi đôi với nhau trong sinh hoạt của cộng đồng. Sự kết hợp này không chỉ làm tăng hiệu lực của công tác tuyên truyền mà còn tạo thêm hiệu quả cho sự diễn cảm các tác phẩm âm nhạc.
Hãy thử hình dung bằng hình tượng điện ảnh: “ Một đôi bạn trẻ yêu nhau, sau bao nhiêu xa cách, vượt qua bao thử thách mới tìm lại được nhau khi …mái tóc đã điểm sương…Tay trong tay, mắt nhìn mắt rưng rưng, hình ảnh xung quanh xoay vòng..”.Sẽ không thể tạo cảm xúc cho người xem nếu lúc này hoàn toàn không có một giai điệu nhạc da diết nổi lên. Hoặc cứ để cho hai nhân vật tự do bộc lộ tình cảm bằng lời mà không có âm nhạc làm nền…Rõ ràng, hiệu quả nghệ thuật sẽ hơn hẳn nếu cũng trong cảnh diễn ấy, trên nền nhạc nổi lên một giọng hát du dương theo kiểu “vocalise”(nhạc hát không lời). Bạn đọc chắc hẳn chưa quên hình ảnh mở đầu và kết thúc của bộ phim Tây du ký với phần nhạc khá ấn tượng, và thử tưởng tượng, cũng những hình ảnh ấy mà không có phần âm nhạc và bài ca thì người xem sẽ cảm thấy buồn chán thế nào!?
Thanh nhạc sẽ diễn tả hình ảnh, nội dung và diễn biến sự việc của một bộ phim, một vở kịch, nhạc kịch…khi mà khí nhạc không thể diễn tả hết. Ngược lại, khí nhạc sẽ thay thế thanh nhạc khi cần diễn tả nhưng tình huống “tế nhị” không thể thổ lộ bằng lời. Một khi người nhạc sỹ sáng tác biết kết hợp tinh tế giữa thanh nhạc và khí nhạc (hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng) thì hiệu quả sẽ thật hoành tráng, trang trọng và đầy ấn tượng, điển hình như chương Final bản Giao hưởng số 9 của L.V.Beethoven, hay các chương trình Gala tại các Thế vận hội, Festival… trên thế giới.
Đối với dòng “nhạc trẻ” hiện nay, thật khó mà chấp nhận khi trên sân khấu, ca sỹ và một dàn múa phụ họa cứ hát, cứ nhảy “loi choi”mà khán giả không hề nghe được phần nhạc đệm cúa ban nhạc; hoặc phần nhạc thì nổi lên chát chúa mà người hát cứ “gào” còn người nghe căng cả tai lẫn óc mà vẫn không hiểu ca sỹ đang hát gì…
Tóm lại, mối “thâm giao”giữa thanh nhạc và khí nhạc từ lâu đã là một điều hiển nhiên! Đó là một mối quan hệ hỗ tương không thể tách rời và luôn tự hoàn thiện qua “bàn tay nhào nặn” của các nhạc sỹ sáng tác dù ở bất cứ dòng nhạc nào. Mối “thâm giao” ấy đang ngày càng phát triển và phong phú hơn cả về nội dung lẫn hình thức.
Th.s. Hoàng Điệp
Bình luận Facebook