Nhiều người vẫn quen dùng cụm từ “nhạc không lời” để chỉ loại âm nhạc không phải là ca khúc hay hợp xướng (Thanh nhạc) hay là loại nhạc được diễn tả bằng nhạc khí thay vì bằng giọng người. Thật ra không hẳn thế. Có những tác phẩm trong đó, người ta dùng giọng người như một nhạc cụ để diễn tấu. Đó là trường hợp của những bản Vocalise (như bản Vocalise nổi tiếng của Rachmaninov có thể dùng giọng người hay nhạc khí diễn tấu).
Vì vậy để chính xác hơn, chúng ta nên hiểu khí nhạc như là “một sáng tác âm nhạc không có ca từ, không dùng đến nghệ thuật ca hát hay bất cứ gì liên quan đến giọng người mà thay vào đó dùng nhạc khí để sinh ra âm nhạc”.
Một số khái niệm về nhạc khí
Ngoại trừ loại nhạc A cappella, đa số âm nhạc mà chúng ta thưởng thức ngày nay đều có sự góp phần quan trọng của nhạc khí. Xét về mặt âm thanh học, tất cả các loại âm thanh đều được tạo bởi sự rung động. Tần số rung càng nhiều, âm thanh được tạo ra càng cao; và ngược lại, tần số rung càng ít thì âm thanh càng trầm. Áp dụng nguyên tắc này vào nhạc khí, chúng ta nhận thấy:
Với Bộ Dây [archi (Ý); strings (Anh)], dây càng dài, kích thước càng lớn thì âm thanh vang ra càng trầm.
Với Bộ kèn Gỗ [legni (Ý); woodwinds (Anh)] và Đồng [ottoni (Ý); brasses (Anh)], khối lượng khí rung động trong kèn càng nhiều thì âm thanh được tạo ra càng thấp và ngược lại, khối lượng khí rung động càng ít, âm thanh được tạo ra càng cao.
Do đó, hình thức bên ngoài và cấu tạo bên trong của mỗi nhạc khí đều lệ thuộc vào định luật trên. Chúng ta thử kiểm chứng bằng cách so sánh: đàn violin (âm vực cao) với double bass (âm vực thấp); kèn piccolo (âm vực rất cao) với kèn contra bassoon (âm vực thấp), kèn trumpet (âm vực cao) với kèn Tuba (âm vực thấp).
Về phương diện màu âm (timbre), âm thanh tạo ra hay hoặc dở tùy thuộc vào các yếu tố: chất liệu dùng để chế tạo nhạc khí, kỹ thuật tạo âm (kéo thổi hay gõ,…) và khả năng của người nhạc công sử dụng nhạc khí.Người ta đã tìm ra dấu vết của công cụ đầu tiên được coi là nhạc cụ có từ 67.000 năm trước đây. Gần đây, trong một hang động cổ xưa nhất ở Slovenia, các nhà khảo cổ đã tình ra một phần cây sáo được làm từ xương động vật, có tuổi thọ trên 43.000 năm.
Nhạc khí phát triển một cách độc lập ở nhiều vùng miền trên thế giới. Một điề khá thú vị là các nhạc khí thường được phổ biến và phát triển mạnh mẽ ở xa nơi mà nó được tạo ra. Vào thời Trung Đại, các nhạc cụ vùng Mesopotamia (vùng đất cổ xưa nằm giữa 2 con sông Euphrates và Tigris giữa Iran, Iraq, Syrie ngày nay) lại được tìm thấy ở quần đảo Malay. Người châu Âu lại thường chơi những nhạc cụ xuất phát từ Bắc Phi.
Một số loại nhạc khí trong dàn nhạc
Để có một chuẩn mực ban đầu tìm hiểu về nhạc cụ, chúng ta lấy trường hợp của một dàn nhạc giao hưởng. Mặc dù trong quá trình phát triển dàn nhạc đã có nhiều biến đổi, bổ sung nhưng nhìn chung các nhạc khí trong dàn nhạc vẫn được xây dựng quanh 4 bộ nhóm nhạc cụ chính. Thứ tự các bộ dưới đây được sắp theo thứ tự từ trên xuống dưới như trong một tổng phổ dàn nhạc:
1. Bộ Gỗ (legni [Ý]; woodwinds [Anh]; bois [Pháp]; Holzbläser [Đức])
Gồm các nhạc cụ thường gặp như: sáo piccolo, sáo ngang (flauto), oboe, corno inglese, clarinetto, fagotto, contrafagotto. Các nhạc cụ bộ kèn gỗ đều có thân kèn dạng ống, được làm bằng gỗ và có nhiều lỗ nhỏ trên thân kèn. Trong đó, sáo ngang và một vài loại clarinetto tuy được chế tạo bằng kim loại nhưng vẫn được kể vào bộ gỗ do âm sắc gỗ của chúng. Sáo ngang và piccolo là hai nhạc cụ nhỏ nhất và đơn giản nhất trong bộ Gỗ, chúng không có dăm kèn (đúng ra là không có miệng kèn) như các nhạc cụ khác cùng bộ. Khi diễn tấu, nhạc công thổi hơi trực tiếp vào các ống, dùng ngón tay che hay để mở các lỗ này nhằm thay đổi chiều dài cột hơi trong ống mà làm phát ra những âm thanh có cao độ khác nhau. Oboe được làm bằng gỗ với bộ khóa kèn bằng kim loại và sử dụng dăm kép. Dăm kép được đặt sao cho chỉ có một khe nhỏ để hơi thổi có thể đi ngang được. Khi hơi thổi đi ngang trực tiếp làm cho dăm rung động để tạo ra âm thanh. Do đó, âm sắc oboe nghe khá mạnh, chắc chắn nhưng vẻ tiếng lại mềm mại, đôi khi như ảo não, “cay đắng”. Theo thói quen, trong dàn nhạc khi cần “so cung” (lấy tông), người ta dùng kèn oboe làm chuẩn vì kèn này không thể điều chỉnh về cao độ. Có lẽ vì vậy mà trước đây, người ta thường đặt oboe ở vị trí trung tâm dàn nhạc. Corno inglese thoạt trông rất giống kèn Oboe nhưng lớn hơn và dài hơn.
Âm vực và màu âm giống giọng Tenore, tiếng kèn nghe mềm mại và trầm hơn oboe. Clarinetto là loại kèn dăm đơn, có âm vực khá rộng. Nó dài hơn oboe, nghe hùng mạnh hơn và có thể tạo ra được những âm rất thấp và rất cao. Fagotto còn được biết nhiều với tên gọi: bassoon (Anh), basson (Pháp) và fagott (Đức). Giống như kèn oboe, đây là kèn sử dụng dăm kép. Đây là một trong những nhạc cụ có âm vực thấp nhất dàn nhạc. Âm thanh phát ra nặng nề, thích hợp với những đoạn nhạc dí dỏm. Với cấu trúc đặc biệt của kèn, gồm một khúc cong bên dưới đáy để đưa miệng ống lên trên, khi hơi thổi vào qua dăm kép sẽ được dồn xuống đáy, rồi đi lên miệng ống hướng lên trên.
2. Bộ Đồng (ottoni [Ý]; brasses [Anh]; cuivres [Pháp]; Blechbläser [Đức])
Gồm các nhạc cụ thường gặp như: corno (cor – tiếng Pháp, French horn – tiếng Anh), tromba (trompette – tiếng Pháp, trumpet – tiếng Anh), trombone và tuba. Giống như bộ kèn Gõ, bộ kèn Đồng (tất cả đều bằng kim loại) được diễn tấu bằng cách thổi hơi qua một ống. Ống này càng dài, kèn càng nhỏ và càng cho ra âm thanh cao; ngược lại, ống càng dài, kèn càng lớn và âm thanh càng thấp. Các nhạc cụ thuộc bộ Đồng khác bộ Gỗ ở chỗ không dùng dăm kèn. Những dao động từ môi của nhạc công làm cho cột hơi trong ống dao động và sản sinh ra âm thanh có cao độ khác nhau. Corno (hay Cor, tiếng Pháp) có ống kèn được cuộn tròn, nếu trải ra, nó dài khoảng 6m! Cuối kèn là một miệng loe ra nhưng hình cái chuông. Khi thổi, nhạc công dùng tay để che hoặc mở lỗ trong miệng loa này để tạo ra những âm thanh khác nhau.
Kèn corno diễn tấu những âm thanh ở âm vực cao và thấp đều tốt. Âm sắc của nó ấm gần như loại kèn Gỗ chứ không vang, lanh lảnh như kèn Đồng. Nên nó thường được dùng trong đoạn nhạc cần chuyển giao giữa Bộ Gỗ và Đồng. Trong bộ Đồng, tromba (hay trumpet [Anh]) nhỏ nhất nhưng lại có âm vực cao nhất. Nó có 3 nút (gọi là “van”) được dùng để hạ thấp cao độ bằng cách mở van để tăng chiều dài cột hơi trong kèn, nói cách khác, cột hơi phải đi một đoạn đường xa hơn trước khi được phát ra loa kèn. Âm thanh của nó vang rất xa, rất khỏe. Khác với các kèn khác trong bộ Đồng, Trombone không có van kèn. Thay vào đó, nhạc công trượt một cần kim loại dài lên xuống để thay đổi cao độ, âm thanh phát ra thấp hơn khi cần được kéo dài ra và cao hơn khi thu ngắn cần lại. Âm vực của trombone thấp hơn kèn tuba nhưng cao hơn kèn cor. Tuba có âm vực trầm nhất trong bộ kèn Đồng. Do vậy, nó cũng có kích thước to nhất. Một vài loại tuba có 4, 5 van kèn thay vì 3 van như thông thường. Khi biểu diễn, nhạc công dựng đứng loa kèn lên. Trong dàn nhạc, tuba chỉ thường giữ nhiệm vụ đi tiết tấu hòa âm.
3. Bộ Gõ (percussione [Ý]; percussion [Anh, Pháp, Đức])
Tên gọi percussion có nghĩa là “các loại nhạc khí tạo âm bằng cách đụng vào một vật khác”. Nhưng tên gọi bộ Gõ thật ra không chính xác vì thuộc họ percussion gồm cả những nhạc cụ gõ, cào, lắc, v.v… Trong dàn nhạc, Bộ Gõ là phong phú nhất và nhiều màu sắc, nguồn gốc từ nhiều dân tộc trên thế giới. Bộ Gõ được chia thành hai nhóm chính: nhạc cụ gõ có định âm và nhạc cụ gõ không định âm. Loại có định âm nghĩa là có cao độ xác định thì ngoài các nhạc cụ như: trống timpani, xylophone, marimba, còn phải kể đến piano. Chúng ta không thể kể hết về các nhạc cụ của bộ Gõ trong giới hạn của bài viết này.
4. Bộ Dây (Archi [Ý]; strings [Anh]; cordes [Pháp]; Streicher [Đức])
Gồm 4 nhạc cụ chính là violino, viola, cello (violoncello) và contrabasso. Bộ Dây được coi là “trái tim” của dàn nhạc. Trong hầu hết các loại dàn nhạc số lượng nhạc công đàn dây chiếm hơn một nửa.
+Violino(violin [Anh]; violon [Pháp])
Đàn violin có bốn dây. Nhạc công dùng một cần kéo ngang các dây để tạo ra tiếng đàn. Cần này gọi là vĩ, vì thế trong tiếng Hán Việt, nó còn được gọi là “vĩ cầm”. Mỗi dây dao động sẽ rung lên tiếng khác nhau tùy thuộc vào độ dày của dây và độ căng chặt vào đầu cần đàn. So với các nhạc cụ khác trong dàn nhạc thì violin có âm thanh trữ tình và gần với giọng người nhất. Do đó, nó đóng vai trò trọng yếu và thường được dùng để diễn các giai điệu của tác phẩm âm nhạc. Viola lớn hơn violin một chút. Nó cũng có 4 dây và tạo ra tiếng đàn cũng bằng cách kéo vĩ lên dây. Dây đàn viola dài hơn của violin, tạo nên âm sắc trầm và đục hơn tiếng violin. Đàn được lên dây thấp hơn violon một quãng 5 đúng. Người ta thường dùng viola để diễn các phần hòa âm, đôi khi cũng dùng để đi giai điệu chính. Cello là tên gọi tắt của đàn violoncello. Nó lớn hơn violin và viola nhiều, được so sánh như giọng Tenor của bộ Dây. Nhạc công khi biểu diễn thường ngồi trên ghế, dựng đứng đàn lên dựa thùng đàn trên sàn, và giữ đàn bằng hai đùi. Nó cũng có 4 dây, và vang tiếng ở âm vực thấp. Có thể so sánh với giọng tenore trong hợp xướng.
Contrabasso (double bass [Anh]; contrebasse [Pháp]).
Khác với các nhạc cụ khác của bộ Dây, đàn contrabasso có thể có từ 4 đến 5 dây. Nó to hơn cello và vang lên những tiếng ở âm vực trầm nhất của bộ Dây. Người ta thường diễn bằng cách gẩy dây đàn hoặc cũng kéo dây bằng archet. Vì kích thước của nó khá to nên nhạc công thường đứng để diễn. Nó đóng vai trò quan trọng cho hòa âm cũng như tiết tấu của bài nhạc.
Nhiều người biết thứ tự của các bộ được sắp xếp trên tổng phổ dàn nhạc là như thế nhưng ít ai tìm hiểu tại sao. Tại sao thành phần thường được coi là chính của dàn nhạc, bộ Dây, lại được sắp dưới cùng của trang tổng phổ, xa tầm nhìn của người chỉ huy hơn các bộ khác? Lý do thuộc vào vấn đề cấu trúc, sắp xếp dàn nhạc: Nếu lật ngang trang tổng phổ ra trên giá chỉ huy, chúng ta sẽ thấy khi bố trí như vậy, bộ Dây ở gần người chỉ huy hơn, tương tự với cách sắp xếp các nhạc công violon ở gần chỉ huy hơn các nhạc công khác.
Trên đây chúng ta đã tìm hiểu một những nhạc khí quan trọng, thường gặp trong các dàn nhạc giao hưởng, thính phòng. Còn nhiều nhạc khí khác cũng không kém phần quan trọng như saxophone, vibraphone, harp, barytone, v.v…chỉ có thể được trình bày trong những tài liệu chuyên về nhạc khí. Chúng xuất hiện thường xuyên trong các loại dàn nhạc estrade, big band hơn.
Nguyễn Bách (songnhac.vn)