Được biết đến là thứ quà tặng tuyệt vời đến từ châu Mỹ và những người Mỹ Phi đối với nền âm nhạc thế giới. Jazz là những cung bậc tình cảm khác nhau về cuộc sống, lúc hân hoan ồn ã, lúc réo rắt trầm lắng. Chẳng có quy định nào để giới hạn ngẫu hứng từ Jazz, những sáng tác Jazz chính là những phút phiêu cảm xúc của người nghệ sĩ thể hiện qua từng nốt nhạc, nó thể hiện những khoảnh khắc ngẫu hứng không hề lặp lại.
Lịch sử của Jazz phản ánh những thời kỳ xã hội khác nhau, ngôn ngữ âm nhạc Jazz là sự khắc khoải và là ngôn ngữ của tự do nhân quyền. Người da đen hay da trắng đều như nhau, đều có chung dòng máu đỏ tại sao số phận con người lại khác nhau chỉ bởi mầu da? Jazz không chỉ đơn thuần là một viên ngọc được trạm trổ tinh tế, không phải là một tuyệt phẩm nghệ thuật của riêng châu Mỹ, đó là tiếng nói về quyền con người trên khắp 5 châu.
Xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 từ những người Mỹ đen nhập cư, phát triển dựa trên giai điệu những bài hát buồn về cuộc sống nô lệ từ nhạc Blue, Ragtime. Jazz là sự ngẫu hứng từ nền những giai điệu cũ, giai điệu và lời bài hát của Jazz thường kêu gọi con người ở những màu da khác hãy thương yêu nhau, đừng lấy màu da để cho mình cái quyền phán quyết số phận người khác, hãy để mỗi người được tự định đoạt số phận của mình…. cứ thế cứ thế những bài hát xuất hiện đầu tiên tại New Orleans đã lan rộng ra nhiều vùng khác không phân biệt biên giới lãnh thổ và trở thành một món ăn tinh thần cho những người thích hoài niệm ở khắp nơi trên thế giới. Những nghệ sĩ tiên phong trong dòng nhạc này mãi là một minh chứng bất hủ cho một giai đoạn lịch sử.
Không chỉ jazz và thứ âm nhạc mê hoặc của nó nói lên tiếng về quyền con người, các nghệ sĩ Jazz cũng đã dùng sự nổi tiếng và tài năng âm nhạc của mình để thúc đẩy sự bình đẳng trong xã hội. Louis Armstrong, Billie Holiday, Benny Goodman, Duke Ellingtons, Max Roach, Charles Mingus, John Coltrane là những đại sứ tiên phong làm bổn phận của một nghệ sĩ và một nhà chính trị, họ đã nói gì và làm gì để Jazz được ví như một thứ âm nhạc vì quyền con người?.
Louis Armstrong đôi lúc cũng bị các nhà hoạt động nhân quyền và cộng đồng âm nhạc Mỹ đen lên án vì âm nhạc của ông chỉ phục vụ cho tầng lớp tư sản da trắng. Tuy nhiên trong các ca khúc của ông có nhiều bài là tâm tư của một người da đen đòi công bằng trong xã hội. Năm 1929 ông thu âm ca khúc nổi tiếng Back and Blue (What Did I do to be so) trong đó có đoạn :
My only sin – lỗi duy nhất của tôi
Is in my skin – là màu da tôi đang mang
What did I do – chúa ơi tôi đã làm gì
To be so black and blue? – để bị sinh sinh ra là một người da đen nghèo khổ?
Chắc chắn tại thời điểm đó, lời bài
hát sẽ làm cho Louis Armstrong gặp nhiều rắc rối và bị chỉ trích nặng nề nhưng cũng chính từ đoạn điệp khúc đó mà Armstrong không còn bị cộng đồng người Phi tẩy chay nữa, ông còn là đại sứ văn hoá đại diện cho nước Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh, ông đi khắp nơi trên thế giới để biểu diễn Jazz. Cuối những năm 50 tại Mỹ xảy ra nạn phân biệt chủng tộc trong trường học, chính phủ ra quyết định không cho học sinh đa đen được học trung học phổ thông với người da trắng, Armstrong lúc đó đang thực hiện một tour diễn tới Liên Xô, ông đã huỷ bỏ tour diễn và lên tiếng rằng, cách mà chính phủ đang đối xử với người dân miền Nam nước Mỹ thật tàn bạo, những người đứng đầu chính phủ phải trả giá khi xuống địa ngục. Armstrong có thể nói mà không sợ bị trả thù bởi ông lúc đó đã là một nghệ sĩ lớn có tiếng trên thế giới.
Billie Holiday, thiên tài đoản mệnh, một bằng chứng lịch sử cho số phận một cô gái da đen đầy tài năng nhưng phải sống cuộc sống của tầng lớp đáy của xã hội. Năm 1939 bà đã thu âm ca khúc Strange Fruit – Quả lạ, chuyển thể từ bài thơ của một người giáo viên trung học. Quả lạ nói về đạo luật Linxơ khi người ta có thể treo cổ người da đen lên cây bất cứ khi nào họ muốn. Quả lạ chính là câu chuyện về 2 người da đen khốn khổ Thomas Shipp và Abram Smith, 2 người bị treo cổ cùng nhau trên một cành cây ở miền Nam bang Indiana. Holiday đã hát bằng cả nỗi lòng với giọng hát da diết, tê tái đến quặn thắt.
Benny Goodman một nghệ sĩ kèn clarinet, một nghệ sĩ Jazz hàng đầu thời đó, là trưởng ban nhạc nhưng đã mời rất nhiều nghệ sĩ da màu chơi trong band của mình. Năm 1935 ông đã mạnh dạn mời Teddy Wilson, sau đó là Lionel Hampton để lập Trio band. Ông là một nghệ sĩ có vai trò lớn trong việc dung hoà các màu da trong âm nhạc, điều trước kia chưa ai dám làm. Việc đó không đơn thuần là điều cấm kỵ mà ở một số bang các ban nhạc cho người da trắng còn cấm các nghệ sĩ da đen tham gia.
Với danh tiếng của mình Goodman đã mang âm nhạc da đen đến gần gũi hơn với người da trắng, phá đi ranh giới chính con người tạo ra. Những năm 20 và 30 nhiều giàn nhạc nhà thờ bắt đầu hát những bản nhạc Jazz và công nhận rằng mình là những người da trắng chơi nhạc Jazz, hát thứ âm nhạc “mọi” mà người ta vẫn nghĩ. Năm 1934 Goodman tổ chức một show truyền hình mang tên “Let’s Dance” và sử dụng các tác phẩm âm nhạc của Fletcher Henderson, một tài năng âm nhạc da đen. Chương trình của ông chủ yếu phát cho người da trắng và được đông đảo quần chúng da trắng đón nhận nhiệt tình, như vậy chính Goodman người công nhận tinh hoa âm nhạc của người da đen, nói một cách khách là công nhận về con người về nghệ thuật của một màu da đến với thế giới văn minh như cách những nhà tư sản da trắng vẫn thường vỗ ngực tự nhận
Duke Ellingtons, một nhân vật lỗi lạc trong làng nhạc Jazz nhưng thái độ mà Ellingtons thể hiện lại rất phức tạp. Là một nhân vật có tiếng nói trong xã hội thời bấy giờ nhưng Ellingtons đã chọn cách im lặng trước những phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của người da đen. Ông cũng từ chối không tham gia vào phong trào của Martin Luther King vào năm 1963 tại Washington DC.
Duke phản ứng theo một cách rất riêng của mình, mỗi khi nhận ký kết các hợp đồng biểu diễn Ellingtons luôn ra điều kiện đi kèm, đó là những buổi biểu diễn đó không được phân biệt đối xử các đối tượng khán giả khác nhau. Trong một tour diễn miền nam nước Mỹ những năm 30, Ellingtons là người đầu tiên thuê hẳn 3 chiếc xe lửa chỉ để phục vụ cho tất cả các nghệ sĩ trong ban nhạc, nơi mọi người sinh hoạt chung, ăn, ngủ chung. Bằng cách này Ellingtons đã tránh được việc vi phạm đạo luật Jim Crow, luật phân biệt đối xử về nơi sinh hoạt dành riêng cho người da đen và da trắng. Duke coi nhạc Jazz như một đặc sản âm nhạc Mỹ đen, ông cũng là người có ảnh hưởng nhất trong phong trào phục hưng Harlem.. Năm 1943 Ellingtons đã gây tiếng vang trong cộng đồng người Mỹ đen bằng bài hát Black, Brown and Beige, bài hát như một cuốn sử thi của những người gốc Phi châu sống trên đất Mỹ.
Max Roach là hiện thân của một nhạc sĩ có công cải cách dòng bebop, ông không chỉ cải tiến âm nhạc để mang Bebop rộng rãi hơn với độc giả. Roach còn là một nhà hoạt động chính trị. Những năm 60 ông đã thu âm ca khúc We insist, Freedom Now Suite, những bài hát ca ngợi các hoạt động nhân quyền, phản đối chế độ phân biệt chủng tộc, Speak Brother Speak, Lift Every Voice and Sing…. những bài hát đầy tinh thần chiến đấu của người dân da đen miền nam nước Mỹ, Roach không chỉ dành toàn bộ thời gian cho âm nhạc, ông còn là một người đi khắp nơi để thuyết giảng về sự công bằng trong xã hội.
Trong lịch sử âm nhạc Jazz, những tên tuổi khác gắn liền sự nghiệp của mình với một thời kỳ lịch sử đen tối của nước Mỹ đó là Charles Mingus, John Coltrane… Có người nói rằng các nghệ sĩ thời đó vô tình trở thành những nhà chính trị bất đắc dĩ bởi họ đam mê và hát một thể loại âm nhạc như những lời than trách đầy đắng cay cho số phận, cùng với sự phát triển của xã hội thì những bài hát mà họ thể hiện tiếp theo như những ca khúc chiến đấu, nó thể hiện tinh thần dân tộc, lòng tự hào và tinh thần đấu tranh chống lại sự bất công. I have a dream, Alabama, Joy to the world… đã trở thành những xa khúc bất hủ, nó không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong âm nhạc mà còn là một thứ vũ khí lợi hại dành lại sự công bằng cho xã hội và người ta gọi Jazz là âm nhạc của hoà bình, âm nhạc chống lại sự bất công.
(songnhac.vn)