Trong phần trước đây, khi tìm hiểu về đặc điểm âm nhạc của các thời kỳ trong lịch sử âm nhạc Tây phương chúng ta thấy mỗi giai đoạn có một nhu cầu và cách thức thể hiện âm nhạc khác nhau. Các thế hệ sau, khi nghiên cứu các sáng tác âm nhạc trước đó, mới nghiên cứu và đúc kết thành những mẫu câu nhạc, những cấu trúc và hình thức âm nhạc mà nhiều thế hệ trước đã áp dụng để tạo nên tác phẩm. Việc nghiên cứu và phân tích này chỉ mang tính tương đối. Chẳng có tài liệu lịch sử nào cho thấy các nhà soạn nhạc như Mozart, Beethoven, Tchaikovsky,…dùng hình thức âm nhạc nào để sáng tác một tác phẩm của họ. Họ viết nhạc như trải rộng tình cảm một cách tự nhiên trên phím đàn, giấy ghi nhạc.
Có thể bạn cho rằng ca khúc “Ich liebe Dich” của Beethoven mang hình thức này, nhưng tôi lại cho là nó được viết ở một hình thức khác. Vấn đề là sự giải thích nào hợp lý và thuyết phục hơn chứ không phải “đúng đáp số” là Beethoven đã viết ở hình thức nào. Tiếc là cho tới nay vẫn có người giảng dạy môn học “Hình thức âm nhạc” theo hướng này và dạy một cách mờ mịt, áp đặt thậm chí gây ra những ấn tượng khó hiểu cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên âm nhạc. Điều khó hiểu là tuy nhiều người nhận ra hiện tượng lệch lạc này nhưng nó vẫn tồn tại được trong cả những trường nhạc có tiếng nhất hiện nay.
Hình thức âm là cách sắp xếp, tổ chức âm thanh. Giống như nhờ vào đôi mắt mà chúng ta có thể nhận ra hình dạng của vật thể, trong âm nhạc, thì nhờ vào đôi tai chúng ta nhận ra được hình dáng của câu nhạc, đoạn nhạc. Khi kết hợp các hình dáng này lại theo một cách nào đó, chúng ta tạo nên những hình thức âm nhạc khác nhau.
Thế nào là motif?
Motif hay nhạc tố là yếu tố nhỏ nhất của một ca khúc hay tác phẩm âm nhạc. Một hoặc hai motif tạo nên âm hình có đầy đủ phách mạnh và phách yếu. Thường một motif gồm chỉ vài ba nốt nhạc. Motif ngắn và nổi tiếng nhất có lẽ là “tiếng gõ cửa” trong giao hưởng số 5 của Beethoven (Hình 1)
Rồi bằng nhiều cách sắp xếp thêm khác nhau như kỹ thuật lặp lại, biến tấu, motif được phát triển thành một câu nhạc thật sự có tiết tấu, tính giai điệu và hòa âm nhất định.
Câu nhạc là gì?
Câu nhạc trở thành đơn vị hình thức căn bản nhất của âm nhạc. Giống như trong văn chương, một câu thường được chấm dứt bằng một loại dấu chấm câu (phẩy, chấm phẩy, chấm hỏi, chấm, chấm than, v.v…), trong âm nhạc một câu cũng được nhận ra bằng kết (cadence). Có hai nhóm kết: kết nửa (dừng lại tạm thời) và kết hoàn toàn (dừng lại trọn vẹn, chấm dứt một ý nhạc).
Để nhận ra chỗ kết thúc một câu nhạc, chúng ta còn phải chú ý đến những cách ngừng nghỉ của giai điệu qua việc sử dụng nốt có trường độ dài hơn hay dùng dấu lặng:Thế nào là Đoạn nhạc?
Hai hoặc nhiều câu nhạc họp lại thành một đoạn nhạc. Hai loại đoạn nhạc phổ biến nhất là đoạn song song và đoạn tương phản. Cả hai đoạn này có các đặc điểm chung là: có hai câu nhạc; câu đầu tiên kết thúc bằng các kết (cadence) không hoàn toàn (như kết tránh, kết nửa, v.v…); câu thứ hai chấm dứt bằng kết hoàn toàn, kết chính cách. Xét về công dụng, người ta còn phân loại thành đoạn nhạc: Trình bày, Phát triển, và Tái hiện.
Bên cạnh những câu, đoạn nhạc chính để tạo thành các hình thức âm nhạc cơ bản mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây còn có một số kết cấu phụ cho bài nhạc như: đoạn Mở đầu (ở ca khúc hay nhạc phổ thông người ta thường gọi là Intro); các đoạn chen (ở ca khúc hay nhạc phổ thong thường được gọi là đoạn gian tấu – Interlude ); và đoạn kết thúc (chúng ta còn thường nghe gọi là đoạn “out” hay Coda)
Một số hình thức âm nhạc cơ bản
Một tác phẩm âm nhạc có thể mang một trong các hình thức cơ bản sau đây, hoặc có sự kết hợp giữa những hình thức này lại với nhau.
Hình thức Một Đoạn
Trong hình thức này bản nhạc sẽ gồm 2 câu nhạc tạo thành đoạn nhạc ký hiệu là A. Đoạn A này có thể được lặp lại nhiều lần với phần nhạc giống nhau, mỗi lần có thể được dệt bằng một lời thơ khác nhau. Lúc đó nhạc phẩm mang hình thức một đoạn theo khổ (như khổ thơ, strophic form), ký hiệu A A A ….Hình thức này thường gặp ở các bản hymn (quốc ca, đoàn ca,..), ballad hay nhạc khiêu vũ.
Hình thức Hai Đoạn
Hình thức này được tạo thành bởi 2 đoạn A, B khác nhau. Mỗi đoạn có thể được lặp lại (AABB…..). Để tạo sự tương phản (một yếu tố quan trọng trong sáng tác, biểu diễn âm nhạc) người ta thường viết hai đoạn nhạc này bằng hai giọng (âm thể) khác nhau và có thể với hai loại tiết tấu khác nhau. Tuy nhiên trong nhạc khiêu vũ, thường không có sự thay đổi tiết tấu để người nhảy không gặp khó khăn.
Trong nhạc khiêu vũ thời baroque (1685 – 1750) các điệu nhảy sarabande, courante, gigue, minuet, bourrée và allemande thường được viết trong các tác phẩm mang hình thức hai đoạn như vậy. Tùy theo đoạn nhạc là đơn giản hay có nhiều kết hợp khác mà người ta còn phân ra: hình thức hai đoạn đơn và hai đoạn phức.
Hình thức Ba Đoạn
Nếu sau một hình thức hai đoạn A B chúng ta lặp lại đoạn A một lần nữa, thì sẽ tạo nên hình thức ba đoạn A B A. Cấu trúc ba đoạn này có đoạn thứ ba là sự tái hiện của đoạn thứ nhất. Cấu trúc này rất hay gặp trong âm nhạc cổ điển Tây phương vì yếu tố tái hiện luôn luôn là một đặc tính quan trọng trong âm nhạc. Nếu việc lặp lại đó chỉ là một phần hoặc có biến đổi của đoạn thứ nhất lúc đó tác phẩm âm nhạc sẽ mang cấu trúc: A B A’. Cũng có trường hợp cả ba đoạn đều khác nhau, khi đó hình thức của tác phẩm sẽ là A B C. Trong âm nhạc Tây phương Tk. XVII, các tác giả còn áp dụng kiểu lặp lại đoạn A trước và sau đoạn B để có cấu trúc (A A B A). Kiểu cấu trúc này là tiền thân của hình thức ca khúc “32 nhịp”, trong đó, đoạn B được gọi là “tám nhịp giữa”.
Khi ít nhất một trong ba đoạn được chia thành hai hoặc ba đoạn nhỏ (hay đoạn đơn), chúng ta có hình thức ba đoạn phức. Ví dụ điển hình nhất là trong nhiều tổ khúc thời Baroque, một cặp điệu vũ (minuet và gavotte hay minuet vàbourrée) được diễn theo thứ tự: I – II – I. Trong trường hợp này chúng mang hình thức ba đoạn phức A B A trong đó mỗi đoạn lại có hình thức hai đoạn đơn (A B, là hai điệu vũ nói trên; Hình 6).
Hình thức Sonata
Đây có lẽ là hình thức phổ biến nhất trong âm nhạc Kinh điển và Lãng mạn. Nó thường được sử dụng trong chương đầu tiên của các thể loại sonata, tứ tấu dây, và giao hưởng. Nhìn một cách khái quát, hình thức sonata có dạng 3 đoạn A B A. Nhưng ở đây, các đoạn nhạc phức tạp hơn, phong phú hơn, có chức năng quan trọng hơn và thường là một phần trong một tác phẩm lớn. Căn cứ vào chức năng riêng, các đoạn chính được gọi là: Trình bày, Phát triển và Tái hiện. Ngoài ra, có thể có thêm đoạn mở đầu (Intro) và đoạn kết thúc (Coda). Beethoven là nhà soạn nhạc đầu tiên đưa đoạn Coda vào hình thức sonata. Như vậy, sơ đồ cấu trúc của hình thức sonata sẽ như sau:
(INTRO) – TRÌNH BÀY – PHÁT TRIỂN – TÁI HIỆN – (CODA)
Các chủ đề của sonata được giới thiệu trong phần trình bày. Thường gồm hai đoạn: đoạn thứ nhất được viết ở giọng (âm thể) chính của tác phẩm và đoạn thứ hai được viết ở giọng át (cách giọng chủ âm một quãng 5 đúng) hoặc nếu giọng chính là thứ thì đoạn thứ hai thường được viết hoặc ở giọng át hoặc ở giọng trưởng song song (cùng hóa bộ với giọng thứ). Mỗi đoạn có thể có một hay nhiều chủ đề và các chủ đề này thường tương phản nhau. Ở phần phát triển nhà soạn nhạc phát triển các chủ đề đã được giới thiệu trong phần trình bày bằng cách dùng những kỹ thuật sáng tác khác nhau (lặp lại, mở rộng, nới rộng, mô phỏng, v.v…).
Cũng có khi tác giả đã trình bày khá chi tiết, hoàn chỉnh đến nỗi không cần phải phát triển các chủ đề nữa, lúc đó phần phát triển có thể được bỏ đi và chỉ có một đoạn nhạc chuyển tiếp từ phần trình bày sang phần tái hiện. Lúc đó, chúng ta có hình thức sonata không phần phát triển (như trong chuơng I của “Giao hưởng không hoàn thành” của Schubert). Phần tái hiện là sự lặp lại có biến đổi của phần trình bày. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai phần này là đoạn thứ hai được viết ở giọng chủ (thay vì giọng át hoặc giọng song song). Sau phần tái hiện, tác phẩm chấm dứt với một đoạn Coda. Nếu đoạn Coda này khá lớn, người ta gọi nó là lần phát triển thứ hai.
Hình thức Biến tấu (variation)
Trong hình thức một đoạn theo khổ, nếu những lần lặp lại đoạn A đều có biến đổi (về tiết tấu, giọng,…) thì chúng ta có hình thức biến tấu: A A1 A2 A3……. Người ta còn gọi đây là hình thức “Chủ đề và Biến tấu”, trong đó, chủ đề nằm ở phần A. Cũng có khi người ta biến tấu trên hai chủ đề theo câú trúc: AB A1B1 A2B2….
Hình thức Rondo
Rondo có xuất xứ từ chữ “ronde” (tiếng Pháp nghĩa là “tròn, có hình tròn”). Hình thức này có cấu trúc bắt nguồn từ một kiểu khiêu vũ tập thể, dân gian Pháp. Mọi người nhảy vòng tròn theo một tiết điệu đơn giản, tạm gọi là đoạn A. Sau đó, một cặp tiến ra giữa vòng tròn để nhảy một điệu vũ khác phức tạp hơn, có tính biểu diễn hơn, chúng ta gọi đoạn này là B. Hết phần biểu diễn đó, tập thể lại nhảy vòng tròn theo tiết điệu ở đoạn A. Rồi đến một cặp nhảy khác tiến ra giữa biểu diễn đoạn C. Cứ như thế tiếp tục cho tới lúc kết. Trong âm nhạc, hình thức rondo có tối thiểu 3 đoạn khác nhau với 3 lần lặp lại của đoạn A như sau: A B A C A ….
Đoạn A mang chủ đề âm nhạc chính và được gọi là điệp khúc và các đoạn B, C, D,… gọi là các đoạn chen (episode). Hình thức rondo có thể là không đối xứng (ABACADAEA) hoặc đối xứng (ABACABA).
Hình thức Vòng cung
Hình thức này tương tự như hình thức rondo đối xứng nhưng không có lần lặp lại chủ đề ở giữa: (ABCBA).
Nếu cho rằng chỉ cần cảm xúc để đón nhận và thưởng thức mà không cần biết đến cấu tạo của một tác phẩm âm nhạc thì thật sai lầm. Một nghệ sĩ biểu diễn piano có thể nhớ được một tác phẩm dài phần lớn là nhờ hiểu được cấu trúc hình thức của tác phẩm đó. Với người nghe nhạc cũng thế. Nếu có hiểu biết về cấu trúc, hình thức của một tác phẩm chúng ta sẽ cảm nhận được tác phẩm ấy sâu sắc hơn và gần gũi với tác giả hơn.
Nguyễn Bách (songnhac.vn)