LTS: Mới đây trên mạng xã hội xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa, trong đó cách hiểu thế nào là “dàn nhạc” xem chừng còn rất hạn chế. Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Bách về vấn đề này.
Những kiểu kết hợp khác nhau của các nhạc công được gọi bằng những thuật ngữ khác nhau, chủ yếu dựa trên các yếu tố: tổ chức nhân sự, thành phần nhạc cụ và thể loại nhạc biểu diễn. Chúng ta thường gặp các từ: orchestra (dàn nhạc), band (ban nhạc), ensemble (nhóm nhạc) và combo (nhóm nhạc nhỏ). Trong tiếng Việt không có các từ tương ứng với từng thuật ngữ này và tên gọi tiếng Việt mà chúng tôi dùng chỉ là một cách tạm dịch.
DÀN NHẠC LÀ GÌ?
Tiếng La tinh: “orchestra” để chỉ khoảng trống từ trước sân khấu đến hàng ghế danh dự (dãy ghế đầu tiên trong nhà hát)
Tiếng Hy Lạp: “ὀρχήστρα (orkhḗstra)” là khoảng trống hình bán nguyệt phiá trước sân khấu, nơi mà các vũ công thường biểu diễn; sau này là chỗ ngồi của các nhạc công.
Như vậy, thuật ngữ orchestra gắn liền với khái niệm “biểu diễn, sân khấu”. Nếu chúng ta có một tập thể nhạc công lớn cỡ nào đi nữa mà không bao hàm hai khái niệm này thì cũng không thể gọi tập thể ấy là dàn nhạc được. Ví dụ, không ai gọi một câu lạc bộ guitar gồm nhiều thành viên là “dàn nhạc guitar” cả; hoặc vào năm 2011, người ta đã quy tụ 1.000 người thổi kèn saxophone cùng trình diễn để ghi vào sách Guiness Úc nhưng không gọi đó là “dàn nhạc saxophone”, mà chỉ gọi đơn giản là “1.000 cây saxophone”.
Sự kiện gần 1.000 người cùng chơi saxophone tại Úc năm 2011
để ghi kỷ lục cũng chỉ gọi đơn thuần là “1.000 cây saxophone” chứ không gọi là dàn nhạc.
Xét về cấu trúc, theo truyền thống, dàn nhạc thường gồm các thành phần (gọi là bộ) sau: gỗ (woodwind), đồng (brass), gõ (percussion) và dây (strings). Trong âm nhạc đương đại, người ta còn dùng thuật ngữ orchestra một cách không chính thức như trường hợp Dàn nhạc Pop Boston (Boston Pops Orchestra) chuyên chơi loại nhạc pop đương đại hay nhạc kinh điển nhẹ (light classical music).
Xét về quy mô, một dàn nhạc thường có quân số từ 75 đến 100 nhạc công. Với số lượng ít hơn 50 chúng ta có dàn nhạc thính phòng. Tuy nhiên, trong trường hợp chung người ta vẫn có thể gọi ngắn gọn là “dàn nhạc” (orchestra) thay vì “dàn nhạc thính phòng” (chamber orchestra).
Ở Sài Gòn từ trước 1975 đến nay, ngoài các dàn nhạc thuộc hệ thống quân đội, nhà nước thì chỉ có một số rất ít các dàn nhạc tư nhân mà đa số mang màu sắc tôn giáo (Thánh nhạc Ngày nay) có dàn nhạc còn tồn tại, có dàn nhạc đang tạm ngừng hoạt động, cũng có dàn nhạc đang được hồi phục như: dàn nhạc CTM, dàn nhạc Suối Việt… Hơn một năm trở lại đây có sự ra đời của Dàn nhạc Harmonica Việt Nam (Viet Nam Harmonica Orchestra – VNHO) do sáng kiến của nhà báo kiêm harmonica player Hoàng Mạnh Hà thành lập và điều hành, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Bách. Đây là một tổ chức nằm trong hoạt động của Trường Âm nhạc B.A.C.H. Xét về ý nghĩa thuật ngữ, cấu trúc, quy mô như đã nói ở trên đây, VNHO là một dàn nhạc chuyên trình diễn nhiều loại nhạc khác nhau được phối khí cho các thành phần: 30 – 50 kèn harmonica được chia thành hai bè; 1 bass harmonica, 1 chord harmonica, 1 guitar, 2 – 6 violins, 1 piano và 1 double bass. Biên chế dàn nhạc này thuộc loại mở để có thể kết hợp với nhiều nhạc cụ khác tùy theo nhu cầu của tổng phổ.
Dàn nhạc Harmonica Việt Nam (VNHO) trình diễn tại Đại học Hoa Sen nhân kỷ niệm sinh nhật vua hề Charlot.
CÓ NHỮNG LOẠI DÀN NHẠC NÀO?
Chúng ta thường thấy những nhóm nhạc (ensemble) thính phòng kinh điển với 4 (quartet), 5 (quintet), 6 (sextet), 7 (septet), hay 8 (octet) nhạc cụ. Nếu có nhiều hơn, chúng ta đã có thể dùng từ orchestra (dàn nhạc). Thường thì một dàn nhạc nhỏ có từ 15 đến 30 thành viên (gồm các nhạc cụ dây, gỗ, đồng) được gọi là dàn nhạc thính phòng (chamber orchestra).
Một sinfonietta (tạm dịch: dàn nhạc giao hưởng nhỏ) là một dàn nhạc có lớn hơn chamber orchestra một chút, nhưng nhỏ hơn một dàn nhạc giao hưởng (symphony orchestra hay philharmonic orchestra). Một dàn nhạc giao hưởng không chỉ lớn mà còn đầy đủ các thành phần nhạc cụ (full-size). Nó thường gồm ít nhất là 30 đến cả trăm nhạc công thuộc bốn bộ (dây, gõ, đồng và gỗ).
Ngoài những nhạc cụ thuộc 4 bộ trên đây, tùy theo loại nhạc được biểu diễn mà người ta có thể thêm vào một số nhạc cụ khác. Chẳng hạn, khi diễn những tác phẩm thuộc thời kỳ baroque (thế kỷ 17, và nửa đầu thế kỷ 18), người ta thường dùng thêm đàn clavecin hay đại phong cầm để chơi phần bè đệm hay trì tục (continuo). Khi dàn nhạc diễn những tác phẩm Lãng mạn (từ thế kỷ 19), người ta có thể dùng thêm đàn harp hay một số nhạc cụ bất thường khác. Trong âm nhạc thế kỷ 20, 21, những nhạc cụ đặc biệt như guitar điện, saxophone, thậm chí mõ, trống chầu Việt Nam được dùng vào dàn nhạc (trường hợp dàn nhạc CTM) hay harmonica (trường hợp của VNHO), thậm chí người ta còn dùng cả những bộ phận phát âm thanh tổng hợp điện tử (electronic synthesizer) như trườnghợp dàn nhạc của Yanni với người sử dụng keyboard và synthesizer là Ming Freeman (người Đài Loan).
Dàn nhạc ngày càng được phát triển, mở rộng hoặc thu hẹp, tùy theo loại âm nhạc mà người ta muốn biểu diễn. Chúng ta không có một định chế chính thức và cố định nào cho khái niệm dàn nhạc cả. Tuy nhiên cần phân biệt rõ để không lẫn lộc giữa các khái niệm dàn nhạc (orchestra), ban nhạc (band), nhóm nhạc (ensemble), và nhóm nhạc nhỏ (combo).
Theo Th.S. Nguyễn Bách (songnhac.vn)