Nếu ai đã từng tới thăm thành phố Bandung – một thành phố nằm ở phía Tây Jawa của Indonesia chắc hẳn đều biết đến nhạc cụ truyền thống được người dân ở đây yêu thích và sử dụng rộng rãi có tên gọi: Angklung – một loại nhạc cụ tre nứa. Với người dân nơi đây, Angklung không chỉ là nhạc cụ để biểu diễn mà nó còn là cuộc sống của con người trong văn hoá tín ngưỡng, chính trị và xã hội.
Tên Angklung bắt nguồn từ hai từ trong ngôn ngữ Bali (Indonesia) là angka (có thể hiểu là “âm” hay “nốt” nhạc) và lung (có thể hiểu là “bị vỡ”, “không trọn vẹn”, “đã ra đi”). Angklung được cấu tạo bằng 2 hay 3 ống tre có cùng cao độ hay cách nhau một quãng tám đặt vuông góc trên một đoạn tre ngắn khoảng 25-30cm. Nối kết giữa các ống tre là các thanh cật tre vót như chiếc đũa được buộc bằng sợi dây mây. Âm thanh của Angklung là do người ta dùng tay lắc làm cho các ống đàn va đập tạo nên. Mỗi đàn Angklung là một cao độ. Đàn có ống càng to thì âm thanh càng trầm – đục, đàn có ống càng nhỏ thì âm thanh càng cao – trong trẻo.
Trong lịch sử phát triển về nghệ thuật và văn hoá biểu diễn của người Sundanese (một tộc người ở Tây Jawa – Indonesia), họ tin rằng Angklung đã được tìm thấy và phát triển ở Tây Jawa. Sau đó, nó đã có mặt ở hầu khắp các nơi thuộc vùng Đông Nam Á và xuất hiện trong rất nhiều hình thức tôn giáo của vùng này. Angklung được sử dụng khá phong phú trong các lễ hội truyền trống ở Baten, Baduy, Sukabumi, Cirebon…; nó có chức năng đặc biệt trong mối liên quan với tôn giáo và các hình thức nghi lễ.
Ở Tây Jawa, họ đã biểu diễn Angklung để tỏ lòng kính trọng Dewi Sri – người được coi là nữ thần của đất đai mang lại sự màu mỡ tốt tươi mà những người Indonesia cổ đại hằng mong muốn.
Bên cạnh chức năng tôn giáo và nghi lễ, Angklung cũng được sử dụng cho mục đích giải trí, nó gắn bó mật thiết với nghệ thuật và văn hoá truyền thống của người Sundanese. Ngoài ra, chúng ta còn thấy Angklung được chơi trong lễ hội hoàng gia, trong lễ tiễn người lính ra mặt trận. Đồng thời, nhạc cụ này còn diễn tấu trong lễ hội làng để bày tỏ lòng tôn kính với chúa trời và nữ thần đất đai trước khi gieo trồng hay vào mùa thu hoạch.
Có mặt lâu đời nhất là Angklung Degung – đó là nhạc cụ diễn tấu chính trong múa và trình diễn cổ truyền từ thời xa xưa, sử dụng thang âm pentatonic. Tới năm 1938, ở Bandung đã ra đời nhạc cụ Angklung mới – đó là Angklung Padaeng- loại nhạc cụ sử dụng thang âm diatonic và có thể chơi được âm nhạc hiện đại. Người sáng tạo ra nó là ông Daeng Soetigna. Nhạc cụ này tới nay đã được phổ biến và có thể chơi được nhiều tác phẩm âm nhạc cổ điển và hiện đại nổi tiếng của thế giới.
Theo dòng lịch sử, Angklung đã phát triển với hai loại như sau:
1. Angklung truyền thống (traditional angklung)
Gồm có: Angklung Baduy, Angklung Buncis, Angklung Gubrag và Angklung Bungko. Các nhạc cụ này cấu tạo trên thang 5 âm (pentatonic), thường diễn tấu những làn điệu dân gian Indonesia hay những tác phẩm nhạc có cùng thang âm. Các Angklung này thường được cấu tạo trên thang âm Slendro (nghệ nhân Bandung thường gọi là Salendro), thang âm Pelog, thang âm Madelda (nghệ nhân Bandung thường gọi là Sorog).
2. Angklung hiện đại (modern angklung)
Đó là Angklung do Daeng Soetigna sáng tạo ra và tiếp theo là Angklung Udjo do ông Udjo Ngalagena phát minh. Các nhạc cụ này cấu tạo trên thang 7 âm (diatonic) và có thể diễn tấu được nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, cả truyền thống và hiện đại.
Thông thường khi diễn tấu, người ta cầm hoặc treo đàn lên một cánh tay còn tay kia dùng để lắc đàn; đàn cũng có thể được treo trên một chiếc giá, mỗi giá treo từ 8 đến hơn 40 đàn, khi đó người biểu diễn có thể dùng cả hai tay để lắc hai đàn.
Angklung được diễn tấu bởi một người hay nhiều người. Khi diễn tấu nhiều người cần phải có người chỉ huy.
Trở lại với thành phố Bandung, vào năm 1955, trong cuộc hội thảo Á – Phi tổ chức ở Bandung, lần đầu tiên dàn nhạc Angklung – dàn nhạc tre nứa dân gian đã được các sinh viên của trường đào tạo giáo viên tiểu học Kartini trình diễn dưới sự dẫn dắt của Daeng Soegtina và học trò của ông là Udjo Ngalagena. Những âm thanh vang lên lúc trong trẻo, réo rắt; lúc trầm đục, mênh mang của tiếng đàn đã cuốn hút người thưởng thức vào sự hài hoà của văn hoá và thiên nhiên; như sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại. Từ đó, Angklung đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến như một loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của Indonesia.
Đến năm 1958, Udjo Ngalagena cùng vợ là bà Uum Sumiyati được sự đồng ý của những người hàng xóm đã lập nên “Saung Angklung” còn gọi là “Ngôi nhà của Angklung” (House of Ang-klung). Tại đây, họ đã lưu truyền, phổ biến và phát triển văn hoá nghệ thuật dân gian Sundanese, đặc biệt là nhạc cụ tre nứa Angklung.
Bằng tâm huyết của mình, ông bà Udjo Ngalagena đã xây dựng “Ngôi nhà của Angklung” thành một Trung tâm văn hoá và nghệ thuật truyền thống Sundanese mang tên Udjo (Saung Angklung Udjo). Tới nay, Saung Angklung Udjo được biết đến là một đại gia đình Udjo với các thế hệ đã xây dựng, phổ biến, phát triển, biểu diễn, sản xuất nhạc cụ Angklung và các loại nhạc cụ tre nứa khác của Indonesia; đồng thời, là làng văn hoá của các loại hình nghệ thuật dân gian Sundanese khác như: Múa mặt nạ, múa rối, Gamelan… “Ngôi nhà của Angklung” đã trở thành một điểm du lịch tuyệt vời cho các đoàn khách quốc tế và trong nước. Đến đây, du khách vừa được thưởng thức nghệ thuật dân gian; vừa được chìm đắm trong thiên nhiên hoang sơ của các loại tre nứa dùng để chế tạo nhạc cụ; vừa được ngắm nghía lựa chọn những món quà lưu niệm xinh xắn; đặc biệt là du khách sẽ được tham gia biểu diễn Angklung và tự tay thực hiện những thao tác cuối cùng để hoàn thiện cho mình một chiếc đàn nhỏ.
Ngày nay, Angklung đã trở nên phổ biến không chỉ ở Indonesia mà còn ở nhiều quốc gia khác. Angklung đã trở thành một nội dung học tập trong chương trình phổ thông của Indonesia. Angklung là niềm tự hào, là nét đẹp văn hoá của đất nước Indonesia trong con mắt bạn bè thế giới.
Trịnh Hoài Thu (songnhac.vn)